Nguyễn Ngọc Tư Cánh Đồng
Bất tận
Phần
7 Tôi bắt đầu hối hận vì đã cứu chị và mang
chị đi cùng. Có cảm giác chúng tôi nắm tay kéo chị lên khỏi một vũng lầy
để đẩy chị vào một vũng khác, cũng sâu.
Chị xuất hiện không đúng
lúc. Cha tôi có dấu hiệu mệt mỏi. Đàn bà, với cha, càng trải nghiệm càng
chán chường. Càng gieo rắc càng đau. Vết thương cũ mở miệng toang hoác,
không da thịt nào có thể lấp đầy. Cha không chấp nhận cả những người
phụ nữ mà ông kỳ công chiếm đoạt (của người khác), thì sao ông có thể
tin tưởng ở sự hiến dâng ?
Vậy đó, cuối cùng chị hiểu được tại sao
cha tôi lại phớt lờ mình. Tôi và Điền buộc phải kể câu - chuyện - của -
chúng - tôi để chị không phải ray rứt gì với thân phận làm đĩ. Những ký
ức chắp vá, đứt đoạn được chúng tôi kể khá chậm, một phần vì đã lâu
không dùng cách giao tiếp bằng lời, một phần do vài chi tiết khiến chúng
tôi phải dừng câu chuyện lại, vì thấy nhói ở đâu đó hay đợi chị thôi
khóc. Thí dụ như cái đoạn kể về kỳ kinh nguyệt đầu tiên của tôi. Máu
chảy giữa hai đùi không tạnh được, tôi thụp xuống, bụm chỗ ấy lại. Máu
từ từ chảy qua kẻ tay, tôi thấy mình rỗng ra, tái nhợt, chết dần. Thằng
Điền vói bứt đọt chuối, tọng vào miệng nhai ngốn ngấu, điên dại, để lấy
bả rịt lại chỗ máu. Thuốc gò nghe nói cầm máu rất tốt, cũng chẳng ăn
thua. Hai đứa nhìn nhau khóc, tôi đã mơ thấy ngôi mộ của mình, như chiếc
giường giữa bốn bề đồng nước... Chị mếu máo vít đầu tôi vào lòng, “Trời
ơi, tội hôn. Lúc đó cha mấy cưng ở đâu ?”. Tôi ngơ ngác, không biết,
nhưng dù cha có ở gần ngay đấy thì chúng tôi cũng chẳng thể cầu cứu.
Đã
nói là chị em chúng tôi phải tự học đủ thứ rồi mà. Những gì không biết,
chúng tôi thử. Những gì không hiểu, chúng tôi chất thành khối trong
lòng. Nhiều khi thấu đáo được một điều nào đó, chúng tôi phải trả giá
cao.
Có lần chúng tôi thả vịt nghỉ khúc kinh có bóng cây. Bỗng nỗi
xấu hổ vì mình là con người xộc lên mũi sặc sụa, khi tôi phát hiện ra
chúng chẳng bao giờ cưỡng đoạt và gạt gẫm nhau. Khoảng thời gian trước
khi con trống trèo lên con mái rất thật, mềm mại, êm đềm... Tuyệt không
có gì là thô tục. Tôi sững sốt. Thằng Điền sững sốt. Trời ơi, khác với
những gì chúng tôi biết (qua cha tôi, má tôi), trong sự hoan lạc (của
những con vịt) đầy ắp thứ gọi là tình - yêu. Điền chới với, nghi hoặc
lan ra như một vòng sóng. Và khi chị xuất hiện, thì trong nó chỉ còn nỗi
ân hận giày vò.
Điền yêu chị, nhưng tình yêu đó khiếm khuyết mất
rồi. Sau giấc ngủ dài, bản năng nó đã không trở dậy. Trái tim nó chỉ là
hòn than nhỏ, không thể hâm nóng lại cơ thể ngã màu tro. Sợi dây xúc cảm
như lối đi lâu lắm không người lui tới, cỏ dại mọc bít mất, đường đứt,
cầu gãy...
Mà, kiểu yêu tinh thần để nhìn nhau, để nắm tay, vuốt
tóc, để nín nhịn và hy sinh chỉ tồn tại trong văn chương. Chị cần nhiều
hơn, nhiều hơn, nhiều khủng khiếp, tưởng như chị có thể ngốn ngấu, bào
mòn tất cả đàn ông trên thế gian này. Lúc đầu là kiếm sống, nhưng lâu
dần, sự chung đụng của thể xác làm chị nghiện. Thằng Điền tuyệt vọng.
Tôi
cảm giác sự đổ vỡ khi Điền đuổi theo chị, và chị thì chạy theo cha.
Một
cuộc đua rã rượi, chẳng đến đâu. Chúng tôi còn phải dành sức cho cuộc
mưu sinh dưới nắng như tát lửa. Cha quyết định bán bầy vịt đi. Ba người,
mỗi lần xách vài ba con, chúng tôi chia nhau đi dài xóm để bán lẻ.
Nhưng cách ấy chẳng cho kết quả nhiều, nắm con vịt ốm nhằng trong tay,
xương ức gò ra bén ngót cũng đã đoán được. Thêm nữa, mùa giáp hạt kéo
dài, nhiều nhà chạy gạo còn gay, thịt vịt trở nên xa xỉ. Ti vi thì vẫn
đang ra rả về dịch cúm, những người biết chút đỉnh, rụt đầu, “Ăn vịt
đặng lây bệnh chết à ?”.
Chúng tôi mang lũ vịt trở về, con đường dẫn
lên đồng rập rờn hoa mua tím. Cũng theo lối này, vài hôm sau, ông
trưởng ấp dẫn theo một cán bộ xã xồng xộc đến chỗ chúng tôi.
Tôi vừa
sợ, vừa biết ơn những người như thế này. Họ làm cho chúng tôi cảm thấy
bớt hoang dã, làm chúng tôi hiểu rằng, ngay cả trên những cánh đồng
hoang liêu nhất thì chúng tôi vẫn bị ràng buộc bằng hàng vạn luật lệ.
Nhưng đồng thời họ luôn mang tai họa đến. Dường như sự trừng phạt đang
núp sau hai khuôn mặt bị nướng dưới mặt trời, bóng nhẫy, tươm mỡ. Họ phơ
phởn nói bằng thứ ngôn ngữ buồn cười (bọn chăn vịt chúng tôi chẳng khi
nào dùng những chữ chỉ thị, loại trừ tận gốc hay giải quyết dứt
điểm...). Thật đơn giản, khi nói “các người phải huỷ bầy vịt”. Cha tôi
cáu kỉnh gật đầu. Tôi và Điền kêu lên một tiếng buốt, ôi, những bạn - bè
của chúng tôi sắp bị chôn sống nữa rồi.
Cái nhìn chị chảy theo nước
mắt của thằng Điền, chị khẽ bảo, không sao đâu, mấy cưng. Chị đon đả,
chèo kéo hai người đàn ông lạ về phía mình, “Mấy anh thương em với, nỡ
nào để cả nhà em chết đói”. Một người càu cạu :
- Ở trên lịnh xuống
tụi tui cãi sao được.
Nụ cười đong đưa, tung tẩy trên khoé mắt, thì
em có bảo mấy anh cãi ai đâu, mấy anh giả đò không biết, không nhìn thấy
bầy vịt của em là được rồi. Dễ ợt... Thằng Điền bệu bạo cắn răng, nó tự
kìm nén bằng cách siết vai tôi đau nhừ. Cách đó năm bảy bước, giọng nói
của chị vẫn lướt như một dòng gió đầy hơi nước, thấm dịu lại hai khuôn
mặt (cố tỏ ra) cứng đơ. Một người nuốt nước miếng, ánh nhìn ham muốn như
mũi kim thò ra khỏi bọc, lơ láo. Mắt ông ta lột trần chị, và toan tính
một thoáng. Người còn lại có vẻ thú vị, háo hức như sắp được xem một vở
cải lương hay. Chị thấu hiểu đàn ông đến nỗi, ngay lập tức chị ngó về
phía chúng tôi, ngầm báo, cuộc thương lượng (về một sự đổi chác) đã kết
thúc rồi.
- Hai anh cứ về trước, chút nữa, em lựa mấy con vịt tơ đem
lại cho các anh lai rai. Nhà anh Năm đây em biết chớ sao không, đi tới
đâu, em cũng coi mặt thổ địa trước chớ...
Nụ cười chị chợt mỏi mê
mỏi nhừ. Có một chút tàn nhẫn, một chút man rợ trong cuộc thương lượng
này. Hai người đàn ông quay vào xóm, không quên vói lại một câu, nửa đe
nẹt, nửa xuề xòa, “tụi tôi nể vợ anh...”. Cha tôi cười hết sức độ lượng,
ôi những thằng trẻ con...
Chị vò đầu thằng Điền, bảo “chuyện nhỏ
thôi mà, đi bắt vịt dùm chị, nhỏ cưng”. Và hướng cái nhìn sâu nhói về
phía cha tôi, rất chậm rãi, chị thay áo, lấy nón, xỏ dép... Thời gian
dằng dặc. Tôi biết chị chờ, hy vọng. Tôi biết, đi một quãng xa, chị vẫn
còn dõng tai đợi một tiếng gọi, “quay lại đi, Sương”. Nhưng chỉ gió ngêu
ngao xoi mói vào mảng thịt sau tà áo người phụ nữ đang xiên xiên trên
bờ cỏ rập rờn.
Chị về khi trăng rạng rỡ trên đầu (mãi sau này, tôi
vẫn còn ghê sợ cái màu trăng ấy). Ống quần quệt vào cỏ ướt đẫm sương.
Hơi rượu quyện với mùi thuốc lá làm tôi chạo chực. Nhác thấy hai chị em
tôi ngồi thù lù, chị kêu lên, trời đất, hai cưng chờ chị chi vậy.
"Chị... làm đĩ quen rồi, mấy chuyện này nhằm bà gì mà mấy cưng buồn?".
Rồi khom người nhìn vào chòi, chị chắc lưỡi tấm tắc, " Coi nè... Trời
ơi, bữa nay bộ gió mát sao mà người ta ngủ ngon dễ sợ". Chao, tiếng ngáy
của cha tôi sao mà đều, sao mà thơ thới. Tôi chực khóc, ngay lúc này
đây, dường như chị - đang - chết. Chị lẹ làng lấy tay quệt lên mắt, mảng
nước nhoè nhoẹt bên màng tang, bết cả vào mớ tóc mai.
Sáng sau, gặp
ở quây vịt, cha tôi cười, hơi giễu cợt, "Sao, hồi tối vui không? Chắc
họ tưởng cô là vợ tôi nên hứng thú lắm hả ? Cứ để họ nghĩ vậy... ". Chị
ngó trân vào cha, rồi day qua tôi, chị để rớt từng lời :
- Má cưng
ác một, nhưng người cha này của cưng ác tới mười.
Nói rồi, chị quay
đi. Chân vướng dấp dúi vào cỏ. Con đường nhỏ dầm chan trong màu hoa mua
tím. Tôi đắng đót thầm trong lòng một cái vẫy tay. Bóng người khuất
trong vườn. Thằng Điền xách nước về, nó cuồng lên hỏi chị đâu. Tôi chỉ
con đường kinh xao xác hoa cỏ dại. Em tôi chạy hồng hộc về phía đó.
Điền,
cũng không trở lại.
Tôi đã chờ nó đến khi mùa mưa đổ xuống cánh
đồng Chia Cắt (tôi tạm gọi vậy) một trời sao. Chờ chơi vậy, chứ tôi biết
Điền chẳng quay về. Tôi nhớ nó (và nhớ chị) không thôi. Những lần dọn
cơm tôi hay lấy chén đũa cho cả bốn người. Cha tôi rất khó chịu, ông
ngán ngẩm đứng dậy. Tôi ngồi một mình, chan nước vào chén cơm như chan
nỗi trống trãi khủng khiếp. Đi qua những xóm kinh chộn rộn ánh đèn, tôi
thường ngóng lên bờ mong có thể gặp được thằng Điền và chị. Không biết
em tôi có đuổi kịp chị, hay vẫn tiếp tục kiếm tìm. Không biết nó đã đánh
thức được bản năng, đã tìm thấy nhục cảm, đã biết thèm muốn chưa. Không
biết tối nay thằng Điền có được mệt nhoài úp lên chị, hay vạ vật ở đâu
đó, bên vách buồng (hay một tấm ghi-đô bằng vải), đau vật đau vã nghe
hoan lạc chảy thành những dòng rên xiết, kêu thét. Không biết nước mắt
của nó đã khô chưa hay vẫn rỉ từng giọt như máu tươi.
Tôi nhớ Điền,
bao gồm nhớ một đồng - loại (và tôi là đồng - loại còn lại), nhớ một
cách trò chuyện (đọc thấu lòng nhau), nhớ một người nghe được tiếng tim
mình (điều này thì con vịt mù làm được, nhưng nó đã chết rồi), và nhớ
một người che chở (công việc này, đáng lẽ là của cha, má tôi). Tôi biết
ơn Điền, từ một gói băng trắng mà Điền mang về hôm tôi mười bốn tuổi,
bảo thứ này dùng khi có kinh nguyệt, nó sẽ ngăn không vấy máu ra quần.
Điền đi hỏi ai đó, nó nói, máu không cầm được cho đến khi nào tự nó
ngưng chảy. Điền xót xa khi thấy tôi trổ mã con gái, "Đẹp làm chi dữ
vậy, Hai ? Ở cái xó quê này, có đẹp mai mốt cũng phải lấy chồng, đẻ một
bầy con nheo nhóc, cũng ra ruộng ra vườn làm lụng đến hết đời, xẹp lép
như xác ve. Đẹp, mắc công giữ...". Điền dặn tôi đừng xoắn quần quá cao,
đừng mặc áo quá rộng cổ... Với bọn đám thanh niên lúc nào cũng kiếm cớ
lãng vảng, Điền giang tay bọc lấy tôi, nó giễu cợt, "Anh kia, lượm con
mắt lên, anh nhìn vậy, chị tôi mòn còn gì". Đám người cụt ngòi, tẻn tò
dạt ra. Ngay cả khi Điền bỏ đi cùng chị, nó cũng để lại cho tôi một món
quà lớn.
Cha bắt đầu có một chút quan tâm với tôi. Dường như chỗ
trống của thằng Điền nhắc cha nên quý những gì còn lại. Bắt đầu từ một
đêm, cha đứng đằng xa, bảo, "Nương, ngủ sớm đi !", tôi nghe mắt mình
cay, ngợp như ai đó tọng một đám khói vào mặt. Mắc cười, câu nói chẳng ý
nghĩa gì lớn lao, những người cha người mẹ nói với con họ hàng ngàn
lần, đến phát bực mà tôi lại xốn xang.
Tôi ước gì có thể chếnh
choáng thật lâu, nhưng nó mau chóng tắt rụi vì một ý nghĩ kỳ lạ. Dường
như không còn kịp nữa, để hàn gắn sự đổ nát, để sắp xếp những mảnh vỡ
lạo xạo trong lòng.
Chúng tôi tập nhìn nhau, điều đó khó khăn biết
bao. Nhất là với cha, tôi cảm nhận được sự cố gắng lớn. Mỗi lần ngó về
phía tôi, ông phải trợn trạo nuốt nghẹn những cảm xúc, vì tôi giống má
khủng khiếp.
Không cần gương, tôi thấy hình bóng má trong mắt người
đối diện. Trước ánh nhìn của cha, tôi cảm giác mình soi xuống dòng nước
đêm. Với những người đàn ông khác, tôi bị rực lên như đứng trước mặt
trời. Bằng mắt, họ sờ soạng khắp người tôi. Ánh mắt giống bàn tay của
ông xẩm mù mà tôi từng gặp, đụng chỗ nào cũng dừng lại, vuốt vuốt bóp
bóp (chắc là cho dễ hình dung), rồi lần dò tới một chỗ khác, rờ nắn mê
miết. Và tôi đón nhận một cách hằn học, cục cằn.
Hôm bán bầy vịt,
cha tôi sắm một chiếc nhẫn vàng, ông đẩy nó về phía tôi, ngượng ngập như
sắp chết giấc, "Để dành khi đi lấy chồng...". Tôi sặc ra một bụm cười,
trời ơi, tôi biết lấy ai bây giờ ?
Suốt những tháng năm sống tù đọng
trên đồng, tôi có biết ai ngoài những người đàn ông quê mùa cũ kỹ. Tôi
biết lấy ai trong số đó ? Lấy một người cắm mặt xuống đất, mệt nhừ với
vườn ruộng để mỗi khi giáp hạt, tôi nghe tiếng cạo cháy của con, tiếng
muổng dừa vét gạo dưới đáy thạp mà rát bỏng trong lòng ? Hay tôi sẽ chọn
một người chăn vịt, mê mỏi với chuyến đi xa, sống cuộc sống hờ hững tạm
bợ, thấp thỏm với rủi ro, và đến một lúc nào, tôi ôm con nghe đêm của
mùa gặt thật dài với tiếng rúc rích của chồng cùng cô điếm già nua. Tôi
lấy ai bây giờ, một người thợ gặt ? Một anh chạy đò ? Ý nghĩ mình là bản
sao của má làm tôi sợ. Tôi không chắc mình có đủ kiên nhẫn sống cuộc
sống nghèo túng, nhàm chán ấy suốt đời, hay nửa chừng bỏ dỡ. Và bi kịch
chất đống lên những người ở lại.
Cha tôi hơi hoảng. Vậy đó, chỉ cần
để ý một chút, là có thể nhận ra, xót xa vì sự quái dị, khác thường của
tôi. Cha tôi vừa kịp nhìn thấy điều ấy, bối rối đến mức không biết diễn
tả sự đau lòng như thế nào, bằng mặt, hay chỉ âm thầm trong lòng. Mà có
đau, dường như cũng trễ...
Cái ý nghĩ đã muộn màng, trễ tràng, không
còn kịp nữa như một cái rốn nước sây hoáy, điên cuồng hút tôi vào, cảm
thấy mọi nỗ lực của cha trở nên vô nghĩa, tôi nghĩ vậy. Tôi nghĩ đến sự
trừng phạt, sự báo ứng bất chấp trời im ắng như đã nguôi quên chuyện cũ
rồi. Bây giờ, đang vào mùa đẹp nhất trong năm.
|
Nguyễn Ngọc Tư Cánh Đồng Bất tận Phần 8 |
Bây giờ, gió chướng non xập xoè trên khắp cánh đồng Bất Tận (tên này tôi tự dưng nghĩ ra). Ven các bờ ruộng, bông cỏ mực như những đường viền nhỏ liu riu làm dịu lại mảng rực vàng của lúa. Rất thính nhạy, (như kên kên ngửi được mùi xác chết), đám thợ gặt đánh hơi kéo đến, những người nuôi vịt chạy đồng lục tục ở đằng sau. Những cánh đồng trở thành đô thị; những cánh đồng ngoa ngoắt thay đổi vị của nước, từ ngọt sang mặn chát; những cánh đồng vắng bóng người, và lúa rày mọc hoang nhớ đau nhớ đớn bàn chân xưa ngẽn trong bùn quánh giờ đang vất vơ kiếm sống ở thị thành. Những cánh đồng đó, đã hất hủi cây lúa (và gián tiếp từ chối đàn vịt). Đất dưới chân chúng tôi bị thu hẹp dần. Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đã tự làm quẩn chân mình, vì không thể quay lại những cánh đồng cũ (với người quen cũ). Tôi đã từng trở ngược về những nơi đó theo cách của tôi, bằng mường tượng. Tôi gặp nhiều đứa trẻ tên Hận, tên Thù mang khuôn mặt rắp tâm của cha tôi, với đôi mắt sâu và chiếc mũi thẳng. Những đứa trẻ nhàu úa, cộc cằn, cắm cẳn, chỉ tiếng chửi thề là tươi rói, nhảy ra xoi xói ở đầu môi. Và hình ảnh đó thật đến nỗi, tôi bất giác lùi lại vì một đứa đang nhìn trân trối vào mình, ngạo nghễ "Tao không thích học, chừng nào lớn, tao đi chăn vịt. Má tao (hoặc ba tao) dặn, phải đánh chết tụi chăn vịt kia". Tôi giễu cợt, không biết mày có kịp lớn không. Và nó nhăn nhở cười trước khi tan mất vào vũng đêm. Tôi không mất nhiều thời gian để hiểu được cái cười ấy. Đơn giản là ngay bây giờ, trên cánh đồng này, cũng đang lảng vảng những thằng Hận, chúng lớn hơn, cũng thất học, hung hãn. Bọn người này cướp vịt ở các bầy khác (trong đó có của chúng tôi) bằng cách lén phết sơn đen lên đầu những con vịt và phơ phởn đến nhận chúng là của mình, hiển nhiên mang đi. Bắt đầu xảy ra vài cuộc xô xát trên đồng, người ta đem hết những bản năng hoang dã của mình ra để giành lại miếng ăn. Cha biểu tôi đứng ở đằng xa. Chờ đợi. Rốt cuộc, bầy vịt của chúng tôi vẫn mất ngót một nửa. Chúng tôi ra về. Cha tha thểu đằng trước với một thân xác nhừ bùn sau cuộc đánh nhau. Cố đi tụt lại phía sau, tôi giấu nỗi vui đang thổn thức, cồn cào. Sẽ không ra gì nếu một đứa gái tỏ ra mừng rỡ khi cha nó bị đánh tả tơi, nhưng rõ ràng là cha tôi đang thay đổi, đang sống lại những cảm xúc bình thường nhất. Tôi thích ông như thế này. Sau này, tôi luôn hối tiếc là tại sao ngay lúc ấy không chạy đến và cùng sóng bước cùng ông, tại sao tôi không nhìn ông và mỉm cười. Để khi đám người kia cắt đồng, tôi đã không còn cơ hội. Ba người họ ập tới từ phía sau, quây lấy tôi, quần áo vẫn đẫm bùn, mặt mũi sưng sỉa. Những thằng con trai hơi ngỡ ngàng, khi nhìn thẳng vào tôi, một đứa gầy gò trạc thằng Điền lau dãi ròng rãi trên khoé miệng, thảng thốt, "con nhỏ đẹp quá, mày". Tôi coi đó là lời phán quyết cho mình. Giọng điệu của hắn giống như đang tấm tắc trước một món hàng đã mắt. Và món hàng bị ghì ngửa trên mặt ruộng bì bỏm nước. Tôi ngạc nhiên thấy bầu trời im sẫm. Mênh mông. Không biết đã tắt nắng hay mặt trời không vói được ánh sáng đến nơi này ? Hay những khuôn mặt nghèo đói, dốt nát tăm tối đã che khuất nó ? Ngoái nhìn về phía cha và thấy ông lầm lũi đằng xa, tôi mong ông đừng quay mặt lại. Sau đó thử chống cự một lần, rồi thôi, sự vùng vẫy chỉ kích thích lòng ham muốn. Tôi không muốn bị đè nghiến, bị vùi nghẽn trong bùn. Bọn chúng hơi khó chịu trước một đứa con gái yếu ớt và câm lặng. Sự hưng phấn giảm đi ít nhiều, đến nỗi, chúng tỏ ra đờ đẫn, nghi hoặc khi bóc trần tôi ra. Sao đúng lúc vầy nè, tôi buồn nẫu nê, tôi vừa le lói nhìn thấy con đường dẫn đến cuộc - sống - bình - thường, tôi vừa nghĩ, trên con đường đó, sẽ gặp người con trai nào đó để thương yêu... Nhưng cố không để cảm giác đau tiếc làm mình lịm vào chết, tôi cười cợt, “Chúng mày có lột bỏ có trăm có ngàn, tầng tầng lớp lớp những vỏ bọc, cũng chẳng bao giờ thấu đến tận tao”. Ý nghĩ đó làm tôi bớt nhói cho nông nỗi này. Vậy thì, cha ơi, quay lại làm gì, tôi than thầm khi nghe tiếng chân ông nôn nả, giận dữ lỏm thỏm trên mặt nước. Cha tôi lao vào, gầm gừ nắm cổ một tên bật ngửa ra đằng sau như một người cố cất cái vó sông nặng nề, đẫm nước. Tôi khóc. Vì thấy ông đã kiệt sức, hoàn toàn. Và tôi buộc miệng thất thanh : “Điền ! Điền ơi !” trước khi một tên ghí đầu ông dập xuống bùn. Tiếng gọi ấy làm cha đau đến sững sờ, ông rướn ngước mặt về phía tôi, miệng há hốc. Tôi chực hiểu, ngay lập tức hối hận tràn đầy, trong ý thức cầu cứu, một bản năng đơn giản nhất, đứa con gái đã quên mất người cha. Thằng Điền thì ở xa. Cánh đồng vắng ngắt, chấp chới vài cánh cò. Tôi biết rằng, không có cái gì làm cho cuộc chiếm đoạt này dừng lại. Cha không chấp nhận điều đó. Ông liên tục vùng vẫy. Một tên côn đồ ối lên một tiếng, bụm lấy mắt, vừa kêu rên vừa chửi bới ngậu xị. Không đánh trả, nó có cách trừng phạt khác, nó đè nghiến, giữ cho mặt ông hướng về phía tôi. Và bọn chúng thay phiên nhau, giữ cho cha chỉ một tư thế đó. Mắt cha tôi ầng ậc nước, tôi không rõ là phèn hay máu nhoèn nhoẹt. Thôi nghen, ông trời, như thế này là đủ rồi, đừng thêm nữa. Ước gì cha tôi hiểu, để mà thanh thản, xưa rày, cái gì không biết hai chị em cũng đã thử, đó là một cách tự học để sống. Chỉ có sự giao tiếp giữa thân xác là tôi chưa từng trải qua. Nhưng lúc này, cảm giác thật đơn điệu. Đầu tiên là sự xé toạc, và từ rách nát, đau đớn như lũ kiến cánh được giải thoát, chúng bò rân khắp thân thể, tôi thấy mình đang chết. Rồi ký ức ùa về kinh hãi, vẻ mặt má tôi cái hôm bị người đàn ông bán vải đo lên người hình như không phải là khoái lạc thăng hoa, nó giống như tôi bây giờ, đau ràn rụa, nhói tận chân tóc. Trời ơi, tại sao tôi không nhận ra điều đó, ngay lúc ấy (để giấu kín nỗi ám ảnh trong lòng, giả đò tươi cười với má, xem như không có chuyện gì, để chiều chiều cùng má ra sông, hỏi nhau, không biết chừng nào thì cha về) ... Mặt trời le lói ánh sáng trở lại khi trên đồng chỉ còn hai thân thể nhàu nhừ. Ai đó vãi từng chùm chim én lên cao, chúng cố chao liệng để khỏi phải rơi như lá. Người cha cởi cái áo trên người để đắp lên đứa con gái. Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ cái gì để có thể che cơ thể nó dưới mặt trời. Dường như đứa con gái đang chết, chỉ đôi mắt là rưng rức chớp mở không thôi. Câu đầu tiên nó hỏi : - Không biết con bị có con không, hả cha ? Nó hơi sợ hãi. Cảm giác một cái gì, nhỏ xíu nhưng lanh lợi như con loăn quăn đang ngụp lặn trong nó. Đứa con gái thoáng nghĩ, rớt nước mắt, trời ơi, có thể mình sẽ sinh con. Nhưng nó chấp nhận việc ấy, dù phũ phàng (với nó, chấp nhận cũng là một thói quen). Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường... Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn. /.
|